Nếu như bạn đang trong ngành kinh doanh nói chung và Marketing nói riêng, có thể bạn sẽ dễ nhận ra rằng đã có vô vàn các câu chuyện về thương hiệu, phương thức phát triển và xây dựng thương hiệu xuyên suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua Content Marketing, Marketing Research, Advertising,… mỗi thương hiệu đều có cách biểu đạt riêng để giao tiếp với khách hàng, cũng là thể hiện cá tính của thương hiệu. Làm thế nào bạn có thể truyền đạt thông điệp để thu hút khách hàng một cách hiệu quả và hơn thế nữa có thể làm bạn trở nên nổi bật giữa một thị trường đông đúc? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra những công tác xây dựng tiếng nói thương hiệu cho doanh nghiệp hiệu quả trong năm 2020 này nhé.
>> Xem thêm: Xu hướng Content Marketing: thu hút người đọc hay để bán hàng?
Sự nhất quán là yếu tố mấu chốt
Sau khi đã tìm được tiếng nói thương hiệu, doanh nghiệp cần phải giữ được tính nhất quán khi sản xuất nội dung cho tất cả các kênh truyền thông như trang web, blog, email và thậm chí là quảng cáo của bạn. Tiếng nói mang tính xuyên suốt giúp tăng thêm cá tính cho thương hiệu và người tiêu dùng muốn thấy tính cách đó của doanh nghiệp.
Cũng bàn về chủ đề này, tại sự kiện “You are Level Up” được tổ chức vào ngày 8/2/2020 vừa qua, Anh Laevis Nguyễn – Giám đốc Daisy Webs – một trong những doanh nghiệp hàng đầu của công ty South Edge, kiêm Chủ tịch Vietnam SEO Association (VSAS) đã chia sẻ rằng: “Việc xây dựng cá tính thương hiệu là điều quan trọng nhất để tạo nên sự khác biệt trên thị trường và đó cũng là cách để gây ấn tượng mạnh với khách hàng, tạo giá trị chuyển đổi từ khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp.”
Nhân cách hóa thương hiệu
Khách hàng ngày càng “thông minh” hơn, họ nghi ngờ tất cả, ghét quảng cáo và cảm thấy tất cả nhãn hàng đều chỉ muốn lấy tiền từ túi của họ. Vì vậy, rất khó để khiến khách hàng đặt niềm tin vào thương hiệu. Nếu muốn thuyết phục khách hàng, hãy “làm bạn” với họ bằng việc nhân cách hóa thương hiệu của bạn.
Gắn liền thương hiệu với một tính cách nhất định chính là xu hướng cần lưu ý. Tuy nhiên, đã nhân cách hóa phải nhân cách hóa sao cho thật nhất. Bạn có thể sử dụng tiếng nói thương hiệu để làm nổi bật mình giữa số đông và hãy có cái nhìn thiên về con người. Chắc chắn rằng, bạn cần phải thích nghi với thứ ngôn ngữ của khách hàng tiềm năng và ngành kinh doanh đang hướng tới. Ngoài ra, với sự hiện diện của mạng xã hội, thương hiệu có thể trò chuyện trực tiếp với người dùng và doanh nghiệp cần nghĩ về thương hiệu như một con người thực sự.
Đối tượng mục tiêu
Ý tưởng đằng sau tiếng nói truyền thông xã hội của thương hiệu cần bắt nguồn từ đối tượng mục tiêu của bạn. Một thương hiệu nhằm thu hút giới trẻ năng động sẽ sử dụng một giọng nói khác với một người cố gắng để hấp dẫn các bà mẹ bỉm sữa, bạn thấy có đúng không?
Hiểu biết về nhân khẩu học của khán giả rất hữu ích vì mọi thứ bạn làm liên quan đến tiếp thị chắc chắn sẽ bắt đầu với đối tượng mục tiêu của bạn. Đó là lý do tại sao các chuyên gia tiếp thị và thương hiệu khuyên bạn nên tạo ra một nhân vật hư cấu với tất cả các đặc điểm, tính cách đặc trưng, tuổi, trình độ học vấn, thu nhập, sở thích của họ, nhân vật hư cấu này còn được gọi là khách hàng mẫu. Bất kỳ lúc nào bạn sáng tạo các tài liệu quảng cáo, bạn phải luôn nhớ tới người mẫu này và điều chỉnh thông điệp của bạn cho phù hợp.
Chất giọng đặc trưng
Khi đã xác định được đối tượng mục tiêu, bạn còn cần phải xác định chất giọng. Mặc dù tiếng nói của bạn sẽ luôn giống nhau, chất giọng chính là thứ sẽ thêm vào hương vị đặc biệt bất cứ khi nào bạn tương tác với khách hàng. Bạn có thể xây dựng tiếng nói thương hiệu của bạn qua chất giọng tươi tắn, vui vẻ, chuyên nghiệp, chính thức, tinh tế, đơn giản,… phụ thuộc vào đối tượng mục tiêu và tiếng nói thương hiệu của bạn nên phản ánh điều đó trong mỗi lần tương tác với khách hàng.
Ngôn ngữ phù hợp
Có lẽ bạn đã đọc đâu đó trên mạng rằng nếu muốn thiết lập sự liên kết với ai đó, bạn nên sử dụng ngôn ngữ của họ. Nhưng hầu hết các hướng dẫn lại không cho bạn biết làm thế nào để thực sự thấu hiểu ngôn ngữ của khán giả.
Cách tốt nhất để làm quen với loại ngôn ngữ mà khán giả sử dụng là quan sát họ trực tuyến. Bạn nên tìm ra nơi mà khán giả của bạn thích dành thời gian trực tuyến, có thể là trên Facebook, Zalo và các diễn đàn để quan sát cách trò chuyện của đối tượng mục tiêu cũng như cách sử dụng thời gian của họ. Nhưng đừng nên quá lệ thuộc và làm cho cách biểu đạt của thương hiệu như có vẻ “nhại lại” hoặc nghe không tự nhiên, không chân thật.
Không có con đường duy nhất nào có thể giúp doanh nghiệp hình thành cách biểu đạt riêng cho thương hiệu. Cần thực hành với một chút tưởng tượng, thương hiệu mới có thể tìm đúng “nốt nhạc” cần thiết để cất tiếng nói khác biệt. Hy vọng rằng trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn xây dựng tiếng nói thương hiệu cho doanh nghiệp hiệu quả trong thị trường Marketing này.